VỢ ĐẢM, CHỒNG KHÔNG NGOẠI TÌNH?

Đánh giá bài viết

Người đời thường nghĩ: một người vợ đảm sẽ khiến chồng chung thủy hơn – nghĩa là chồng không ngoại tình. Sự thật liệu có phải như vậy?

1. Ăn cơm hay ăn phở?

Ngoại tình, những pha đánh ghen hay cách giữ chồng luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của chị em phụ nữ trên mạng xã hội và báo chí. Từ đó, nó trở thành insight khách hàng được các nhãn hàng “tận dụng” nhiều nhất. Quảng cáo bộ gia dụng bếp của hãng Elmich Vietnam là một ví dụ điển hình. Thông điệp của quảng cáo này là “Elmich tin rằng chỉ có chăm sóc và yêu thương bằng tình cảm thật sự mới khiến phụ nữ chiếm trọn trái tim của người chồng và bảo vệ hạnh phúc gia đình”.

Vợ đảm đang nhưng chồng vẫn ngoại tình
Vợ đảm đang nhưng chồng vẫn ngoại tình

Quảng cáo này một mặt tái hiện một gia đình hạnh phúc kiểu mẫu (vợ nấu, chồng ăn), mặt khác, so sánh hai kiểu phụ nữ đối lập thông qua suy nghĩ của một người đàn ông, một người là vợ anh, người đàn bà còn lại thì đang muốn quyến rũ anh.

Người đàn bà kia thì “đoản” nên để nồi canh bị trào, trong khi vợ biết dùng bếp điện đặt chế độ hẹn giờ. Người đàn bà kia thì vụng về để tay phỏng, còn vợ thì “thông thái” chọn loại nồi tản đều nhiệt, giữ cho món ăn ngon và bổ dưỡng. Người đàn bà kia hậu đậu làm vỡ nắp nồi, trong khi vợ chọn sử dụng “nắp nồi cường lực”. Người đàn kia vật lộn với miếng cá cháy, trong khi vợ dùng chảo chống dính nên món cá chiên luôn thơm. Kết quả là, người đàn bà kia nấu xong một bữa ăn thảm hại, còn người chồng thì bỏ chạy về ngay với vợ. Khi về đến nhà, bữa tối đã được vợ dọn sẵn sàng và các con thì ngồi ngoan ngoãn ăn. Thấy cảnh nhà cửa sạch sẽ, vợ hiền con ngoan, anh ta phát biểu: “Ăn ở đâu cũng chẳng bằng vợ nấu. Vợ anh đúng là số 1”.

2. Dù cơm hay phở thì đều phụ thuộc vào lựa chọn của người chồng

Có thể thấy, đây là hai kiểu phụ nữ vô cùng đối lập nhau. Một người đảm đang, một người vụng về. Một người đứng đắn, một người “gợi tình”. Hai người họ đều có cùng một mục đích là “tranh giành” trực tiếp hoặc gián tiếp một người đàn ông. Tuy là hai hiện tượng nhưng cả hai kiểu phụ nữ này đều bị rơi vào hai the common sense quen thuộc về phụ nữ trên quảng cáo: vai trò nội trợ của phụ nữ trong việc “xây tổ ấm”, và tình dục hoá phụ nữ.

Vợ đảm đang nhưng chồng ngoại tình
Sự lựa chọn vẫn là ở người chồng

Không gian xuất hiện của người vợ là gian bếp. Vai trò chính của cô là nấu ăn, phục vụ chồng và chăm sóc con cái. Quảng cáo đã tái sản xuất định kiến “ngàn đời” và đưa định kiến đó ra như một bí quyết giữ chồng cho chị em phụ nữ. Nó như muốn nói rằng “chỉ cần chị giỏi bếp núc thì chồng sẽ tự khắc về với chị” hoặc ít nhất dùng Elmich sẽ khiến căn bếp trở nên đầm ấm.

Trong khi đó, người đàn bà còn lại lại bị biến thành một người phụ nữ kỳ quặc và bị giản lược hoá chỉ còn là một đối tượng nhục thể trong mắt nam giới. Bộ trang phục bó sát và hành động uốn éo đều cho thấy sự phi lý trong xây dựng hình ảnh nhân vật. Phi lý là vì chẳng ai nấu ăn mà lại ăn mặc và hành động như vậy. Tuy nhiên, thông qua cách xây dựng hình ảnh đó, cô bị trở thành (hoặc do quảng cáo tái hiện) một đối tượng tình dục quyến rũ và lừa phỉnh người đàn ông mà cô đang thích.

Kết quả là, “phở” luôn thắng “cơm”. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng cả hai hình ảnh người phụ nữ như trên đều là nạn nhân của tư tưởng nam quyền. Dù là nấu ăn đảm đang hay ăn mặc gợi tình thì họ đều là đối tượng để đàn ông lựa chọn. Trong trật tự quyền lực giới, họ đều phải “phục vụ” cho đời sống sinh hoạt lẫn đời sống tình dục của đàn ông.

Quảng cáo đã phản ánh rất đúng tư duy “giữ chồng, “giữ lửa” trong văn hoá Việt Nam. Đó là kiểu tư duy ý thức hệ nam quyền. Nó giúp đàn ông – người đã từng có đặt quyền “năm thê bảy thiếp” – lẩn tránh tội ngoại tình, vô tâm và nó quy kết trách nhiệm về phía phụ nữ. Chỉ vì vợ không biết “hư” trên giường và “ngoan” trong bếp thì chồng mới ngoại tình! Quan điểm ấy không chỉ là một quy kết bất công với nữ giới, mà còn biến cả hai giới thành nạn nhân của mô hình hôn nhân lý tưởng này.

Nói tóm lại, việc ca ngợi một phụ nữ đảm đang hay việc chê bai kẻ thứ ba đều có cùng một bản chất. Nó củng cố khuôn mẫu giới với phụ nữ và duy trì trật tự quyền lực mà ở đó đàn ông là kẻ thống trị. Sự thật là, người phụ nữ có thể thể hiện tình yêu của mình với chồng con bằng rất nhiều cách mà bếp núc chỉ là một trong số đó. Thêm vào đó, xây dựng hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của cả hai giới. Chỉ khi có sự vun vén, sẻ chia đích thực từ hai bên thì hạnh phúc mới bền lâu, tình yêu mới được trân trọng đúng nghĩa.

Cập nhật thêm tin tức tại aoc.com.vn 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

098 572 9595