Bệnh viêm gan B

Bệnh viêm gan B
Bệnh viêm gan B
5 (100%) 1 vote[s]

Có rất nhiều bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai, HIV và mức độ nguy hiểm của các bệnh này đều là rất cao. Tuy nhiên, bệnh viêm gan B cũng là một bệnh mạn tính lây qua đường tình dục nhưng ít được nhắc đến. Trong bài này, chúng tôi xin gửi đến độc giả những thông tin đầy đủ và chi tiết nhất về bệnh viêm gan B: Viêm gan B là gì? Virus HBV là gì? Triệu chứng, dấu hiệu và con đường lây nhiễm viêm gan B.

Bệnh viêm gan B là gì?

Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng do virus viêm gan B (Hepatitis B virus – HBV) gây ra ảnh hưởng đến gan, có thể gây tổn thương gan cấp và mạn tính. Nhiều bệnh nhân đều không có các triệu chứng trong giai đoạn đầu của nhiễm trùng, ở một số bệnh nhân bệnh phát triển nhanh chóng với các triệu chứng rầm rộ như nôn mửa, vàng da, mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu và đau bụng. Thông thường các triệu chứng này kéo dài trong một vài tuần và hiếm khi nhiễm trùng ban đầu dẫn đến tử vong, có thể mất 30 – 180 ngày để các triệu chứng xuất hiện từ khi có nhiễm trùng. Những trường hợp bị mắc viêm gan B trong thời kỳ sơ sinh có 90% nguy cơ tiến triển thành suy gan mạn trong khi tỷ lệ này chỉ còn ít hơn 10% khi bị mắc sau 5 tuổi. Hầu hết viêm gan mạn đều không có triệu chứng tuy nhiên xơ gan và ung thư gan có thể phát triển ở khoảng 25% bệnh nhân mắc viêm gan B mạn tính

Bệnh viêm gan B
Bệnh viêm gan B do virus HBV gây ra

Virus viêm gan B – HBV

Hình thể và cấu trúc: Virus HBV thuộc họ Hepadnaviridae. Năm 1970, nhà khoa học Dane đã tìm thấy virus này ở trong huyết thanh của một bệnh nhân bằng kính hiển vi điện tử. Nó tồn tại dưới dạng hình cầu phức tạp, đường kính của virus khoảng 42nm và vùng lõi đậm có đường kính khoảng 28nm. Do vậy, người ta gọi đó là hạt Dane; cấu trúc hạt Dane gồm có: bên ngoài là lớp vỏ ngoài dày khoảng 7nm tạo thành bởi 3 protein cấu trúc, tạo thành hình dạng cầu của virus; capsid đối xứng hình khối tạo thành lõi; vật liệu di truyền là ADN hai sợi không khép kín.

Sức đề kháng: Virus bị bất hoạt bởi tia cực tím, nhiệt độ 1000C trong vòng 5 phút

Nuôi cấy: Hiện chưa tìm thấy tế bào thích hợp cho HBV

Kháng nguyên: HBV có 3 loại kháng nguyên chính:

– HBsAg là kháng nguyên bề mặt: Có giá trị chẩn đoán lớn, đây là kháng nguyên có sự thay đổi giữa các thứ typ

– HBcAg là kháng nguyên lõi nằm ở trung tâm của virus, muốn phát hiện được kháng nguyên này cần phá vỡ hạt virus.

– HBeAg là kháng nguyên có nguồn gốc từ nucleocapsid.

Virus HBV
Virus HBV gây bệnh Viêm gan B

Kháng thể: Khi cơ thể nhiễm HBV thì sẽ sinh các kháng thể tương ứng:

– Kháng thể kháng HBsAg: Xuất hiện rất muộn sau khi nhiễm HBV, có tác dụng chống virus nên khi xuất hiện thì bệnh cảnh được cải thiện.

– Kháng thể kháng HBcAg: Có sớm ở giai đoạn ủ bệnh, nhưng nếu kéo dài thì bệnh nhân sẽ mắc viêm gan mãn tính

– Kháng thể kháng HBeAg: xuất hiện rất muộn, thường ở thời kỳ lây bệnh và hồi phục.

Đặc điểm dịch tễ: HBV lây truyền chủ yếu qua 3 con đường chính: Đường máu, đường tình dục và từ mẹ sang con. Hiện nay, có nhiều con đường có thể dẫn đến nhiễm virus này, ví dụ: tiêm truyền (chủ yếu là tiêm chích ma tuý), gái mại dâm và các con đường khác như cắt tóc, nhổ răng, châm cứu. Do vậy, viêm gan B có thể gặp ở mọi lứa tuổi và có tỷ lệ cao. Virus viêm gan B không thể lây lan qua các con đường như hô hấp (ho, hắt hơi), dùng chung thực phẩm, từ mẹ sang con khi cho con bú. Ngoài ra, viêm gan B còn được biết là căn nguyên chủ yếu dẫn tới suy gan và ung thư gan.

Chẩn đoán vi sinh học: thường dựa vào các phản ứng huyết thanh tìm các marker (dấu ấn) của HBV, trên thực tế có thể dùng thêm kỹ thuật PCR để xác định sự có mặt của virus trong máu bệnh nhân.

Triệu chứng, dấu hiệu của viêm gan B

Các triệu chứng lâm sàng của viêm gan B thường gặp như:

– Vàng da, vàng mắt

– Nước tiểu sẫm màu

– Phân nhạt màu

– Sốt

– Mệt mỏi kéo dài

– Các vấn đề về tiêu hoá như chán ăn, buồn nôn hoặc nôn

– Đau bụng (thường đau tức vùng gan).

Khi gặp các triệu chứng trên, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra

Bệnh viêm gan B có lấy không, lây qua đường nào?

Bệnh viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây, các con đường lây bệnh có thể qua:

– Tình dục: Virus viêm gan B có thể lây nhiễm trong khi quan hệ tình dục không an toàn với người mang virus qua máu, nước bọt, tinh dịch hoặc dịch tiết âm đạo.

– Dùng chung kim tiêm: Virus viêm gan  B dễ dàng lây qua kim và ống tiêm bị nhiễm máu

– Qua các vết thương hở: nhân viên y tế hoặc bất kỳ ai khác khi tiếp xúc với máu người nhiễm virus cũng có thể bị lây nhiễm.

– Từ mẹ sang con: Phụ nữ khi mang thai bị mắc viêm gan B có thể truyền sang con trong lúc sinh. Hiện đã có vắc xin để ngăn ngừa trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh

Con đường lây nhiễm viêm gan B
Con đường lây nhiễm viêm gan B

Vắc xin tiêm phòng viêm gan B

Vắc xin viêm gan B thường được tiêm từ 2, 3 đến 4 mũi.

Trẻ sơ sinh nên được tiêm liều đầu vào ngay sáu khi sinh và thường kết thúc liệu trình vào khoảng 6 tháng tuổi (đôi khi có thể phải mất hơn 6 tháng để kết thúc liệu trình).

Trẻ em và trẻ vị thành niên dưới 19 tuổi chưa được tiêm vắc xin cũng nên được tiêm phòng.

Vắc xin viêm gan B cũng được khuyến cáo cho người lớn chưa được tiêm chủng: nhân viên y tế, người thường xuyên tiếp xúc với người bị viêm gan B, người đi du lịch đến vùng có viêm gan B lưu hành…

Vắc xin Viêm gan B
Vắc xin viêm gan B có thể được tiêm cùng lúc với các vắc xin khác.

Nguy cơ xảy ra khi tiêm vắc xin

Đau nhức khi tiêm hoặc sốt là các phản ứng thường có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin viêm gan B

Có thể xảy ra hiện tượng ngất sau khi tiêm, do đó cần báo ngay với các nhân viên y tế nếu xảy ra hiện tượng chóng mặt, thay đổi thị lực hoặc ù tai.

Cũng như bất kỳ vắc xin nào, vắc xin viêm gan B cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong.

Nếu thấy xuất hiện các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như nổi mề đay, sưng mạch và cổ họng, khó thở, nhịp tim nhanh, chóng mặt hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Xét nghiệm viêm gan B

Các xét nghiệm cận lâm sàng thường dùng trong chẩn đoán viêm gan B:

Xét nghiệm hoá sinh máu:

– AST, ALT tăng cao (thường trên 5 lần giới hạn trên)

– Bilirubin máu tăng cao: chủ yếu là bilirubin tự do

Xét nghiệm miễn dịch:

Có độ đặc hiệu cao, giá trị chẩn đoán lớn

– HBsAg (+) hoặc (-)

– Anti HBc IgM (+)

Ngoài ra có thể thực hiện các xét nghiệm huyết học khác như:

– Thời gian đông máu

– Định lượng tiểu cầu

Viêm gan B có chữa được không?

Viêm gan virus B có thể diễn biến cấp tính, trong đó hơn 90% trường hợp khỏi hoàn toàn, gần 10% chuyển sang mạn tính. Viêm gan B mạn tính hầu hết không có triệu chứng tuy nhiên 25% có thể tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan.

Cách điều trị viêm gan B

Chỉ định điều trị viêm gan B khi bệnh chuyển sang thể mạn tính với ALT tăng trên 2 lần mức bình thường trong 6 tháng hoặc có bằng chứng mô bệnh học xơ hoá gan tiến triển/ xơ gan bất kể ALT ở mức nào. Thường chỉ một tỷ lệ từ 10 – 40% người mắc viêm gan B mạn tính cần được điều trị.

Viêm gan B mạn tính thường được chỉ định điều trị bằng các thuốc kháng virus đường uống kết hợp với các interferon miễn dịch. Điều trị làm chậm quá trình tiến triển của xơ gan, giảm tỷ lệ mắc ung thư gan và kéo dài thời gian sống.

Các thuốc kháng virus đường uống:

– Tenofovir (TDF) mỗi ngày 300mg hoặc Entecavir (ETV) mỗi ngày 0.5mg

– Lamivudine (3TC) dùng mỗi ngày 100mg đối với bệnh nhân xơ gan mất bù hoặc phụ nữ có thai.

– Nếu xuất hiện tính trạng kháng thuốc thì kết hợp Adefovir với Lamivudine

Các interferon miễn dịch:

Peg–IFNα, IFNα tiêm dưới da từ 6 – 12 tháng, liều dùng theo tình trạng của bệnh nhân. Theo dõi cẩn thận với các triệu chứng của tác dụng phụ, cần phải ưu tiên dùng đối với trường hợp phụ nữ có thai, mắc kèm viêm gan virus D hoặc không dung nạp với các thuốc kháng virus đường uống.

Một số trường hợp đặc biệt như đồng nhiễm HIV/HBV, phụ nữ có thai, bệnh nhân nhiễm HBV có ghép tạng hoặc liên quan đến ung thư gan cần thay đổi phác đồ tuỳ theo tình trạng bệnh nhân và chỉ định của bác sĩ

Theo dõi điều trị: Trong thời gian điều trị: theo dõi sát sao các chỉ số quan trọng như ALT, AST, HBeAg, HBsAg, creatinin máu, Anti HBe. Nếu điều trị bằng interferon thì cần theo dõi thêm các chỉ số công thức máu, nồng độ glucose máu, nồng độ ure máu, chức năng tuyến giáp để phát hiện các tác dụng phụ mà thuốc gây ra.

Sau khi ngưng điều trị: Theo dõi các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm mỗi 3-6 tháng: chỉ số HBsAg, HBeAg, ALT, AST, Anti HBe và HBV ADN để đánh giá hiệu quả điều trị cũng như là dự phòng tái phát

Thất bại điều trị: Thất bại điều trị viêm gan virus B xảy ra khi ALT tăng cao trở lại hoặc HBV ADN tăng trở lại. Trường hợp thất bại điều trị có thể giải trình tự gen để xác định hướng xử trí và thay đổi các thuốc điều trị nghi ngờ có thể đã bị kháng.

Nguồn tham khảo:

https://en.wikipedia.org/wiki/Hepatitis_B_virus

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2809016/

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hepatitis-b/symptoms-causes/syc-20366802

Copy ghi nguồn: aoc.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

098 572 9595